Trong Diễn đàn Công Dân ASEAN và Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur Malaysia, một vấn đề quan trọng đã được các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập của Việt Nam đưa ra đó là lên tiếng trước Diễn đàn việc họ bị bao vây, cô lập không được có mặt tại diễn đàn trong khi các tổ chức của nhà nước mang danh nghĩa Xã hội dân sự dưới tên gọi GONGO lại được ưu đãi trước diễn đàn này. Mặc Lâm tường trình các diễn biến này như sau
Trong Diễn đàn Công dân ASEAN lần thứ 10 có sự tham dự đông đảo các tổ chức Xã hội dân sự đến từ 10 nước thành viên và bên cạnh đó những nước như Cambodia, Lào, Miến Điện và Việt Nam đã mang những phái đoàn hùng hậu vài mươi người với các tên gọi của các NGO tức các tổ chức phi chính phủ, đến Malaysia để cùng lên tiếng trước các vấn đề chung mà ASEAN quan tâm.
Thực chất của Government Oganized NGO
Tên gọi GONGO (Government Oganized NGO) được dùng cho các tổ chức này để chỉ ra rằng Tổ chức xã hội dân sự mà họ đang hoạt động là của chính phủ điều hành và quản lý, khác với các tổ chức Xã hội dân sự độc lập do người dân đứng ra thành lập để hoạt động.
Vì có nguồn tài trợ từ chính phủ nên mọi mục tiêu của GONGO đều hướng tới lợi ích của nhà cầm quyền hơn là cho người dân. Hơn nữa để bảo vệ tiếng nói của họ không bị phản biện trước diễn đàn quốc tế GONGO đã áp dụng các biện pháp bao vây, cô lập cấm đoán các tiếng nói của những tổ chức Xã hội dân sự độc lập khác trước cộng đồng ASEAN suốt từ khi APF được thành lập từ năm 2005 tới nay.
Nhận thấy sự không bình đẳng này Ban tổ chức APF năm 2015 đã mạnh dạn khuyến khích các tổ chức độc lập của các nước ASEAN tham gia vào Diễn đàn qua sự trợ giúp của các tổ chức ở hải ngoại, ít nhất là lên tiếng cho việc bị bao vây, kềm tỏa của GONGO đối với họ.
Bà Debbie Storhard, một thành viên trong Ban tổ chức cho chúng tôi biết quan điểm của bà về GONGO như sau:
Chúng ta cần phải chú ý đến sự nhạy cảm thực tế đó là GONGO có trong tay mọi phương tiện để gửi thành viên của nó tham dự Diễn đàn trong khi đó các tổ chức Xã hội dân sự độc lập vừa thiếu thốn phương tiện di chuyển lại vừa bị bao vây, kết án
Bà Debbie Storhard
-Diễn đàn Công dân ASEAN mở rộng cửa đón nhận tất cả các tổ chức Xã hội dân sự bất kể là độc lập hay được điều hành bởi chính phủ. Chúng ta cần phải chú ý đến sự nhạy cảm thực tế đó là GONGO có trong tay mọi phương tiện để gửi thành viên của nó tham dự Diễn đàn trong khi đó các tổ chức Xã hội dân sự độc lập vừa thiếu thốn phương tiện di chuyển lại vừa bị bao vây, kết án. Chúng ta cần phải luôn đặt câu hỏi: Ai là người trong tổ chức Xã hội dân sự độc lập và phải lên tiếng tranh đấu cho sự hiện hữu của họ như tranh đấu cho tự do dân chủ.
Chúng ta rất sung sướng trước sự tham gia của bất cứ ai nhưng chúng ta cần hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra tại các quốc gia đó và sự bất công này từ đâu mà ra.
Là những tổ chức Xã hội dân sự chúng ta không thể do dự khi lên tiếng phê phán những chính phủ vi phạm nhân quyền và đồng thời cũng phê phán các tổ chức GONGO đã và đang cố gắng chống lại quyền cơ bản của những tổ chức hội dân sự độc lập.
Các tổ chức Xã hội dân sự tại hải ngoại
Trong các tổ chức Xã hội dân sự tại hải ngoại tham dự APF lần này là BPSOS, Giáo dân Cồn Dầu, KAMSA, và VOICE. Đại diện cho BPSOS là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cho biết lý do đến Malaysia lần này ông nói:
-Năm nay là năm thứ 10 tổ chức hội nghị này thì tổ chức tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia bởi vì năm nay Malaysia là chủ tịch của khối ASEAN. Chúng tôi rất may mắn là BPSOS và Liên minh bài trừ nô lệ mới tại Á châu (KAMSA) đã hoạt động tại Malaysia từ năm 2008 do đó được xem như một tổ chức địa phương thuộc khu vực Đông nam á và tôi có một thế đứng trong Ban tổ chức năm nay qua đó chúng tôi đã tạo được cơ hội để mời những tổ chức Xã hội dân sự thực sự nhưng hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi tiến trình này để tham gia vào Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN 2015 và đây là lần đầu tiên có tiếng nói của đại biểu thực sự của Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Về vai trò của GONGO, TS Nguyễn Đình Thắng chia sẻ kinh nghiệm của ông:
-Đây là lần thứ 10 tổ chức hội nghị Xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn người dân ASEAN. Trong 9 năm qua hoàn toàn không có tiếng nói của Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam mà tất cả các phái đoàn đều do nhà nước Việt Nam gửi đi, họ mang danh nghĩa là Xã hội dân sự nhưng thật ra họ bị kiểm soát bởi chính quyền do đó chúng tôi gọi những tổ chức là là các tổ chức Phi chính phủ do chính phủ tổ chức mà tiếng Anh viết tắt là GONGO (Government Oganized NGO) Vai trò của họ là đến đây để chiếm lĩnh diễn đàn lớn nhất và quan trọng nhất trong Đông nam á đó là Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN hàng năm.
Đây là lần thứ 10 tổ chức hội nghị Xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn người dân ASEAN. Trong 9 năm qua hoàn toàn không có tiếng nói của Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam mà tất cả các phái đoàn đều do nhà nước Việt Nam gửi đi, họ mang danh nghĩa là Xã hội dân sự nhưng thật ra họ bị kiểm soát bởi chính quyền
TS Nguyễn Đình Thắng
Từ bấy lâu nay cho tới tận bây giờ tất cả các tổ chức GONGO họp lại riêng với nhau đã loại trừ các tổ chức thật sự của xã hội dân sự độc lập với nhà nước và kỳ này chúng tôi hy vọng mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để một lần và vĩnh viễn, tất cả các thành phần tham gia hội nghị này nghĩa là toàn bộ cộng đồng xã hội dân sự trong vùng Đông nam á nhận thức được rằng phái đoàn mà họ vẫn tiếp xúc, cái nhóm người mà họ vẫn thường hợp tác trong suốt 10 năm qua không phải là Xã hội dân sự thật sự, và thứ hai họ nhận thức ra được đâu là tổ chức Xã hội dân sự đúng đắn nhưng không được tham gia, không được phép rời khỏi Việt Nam để đến Malaysia, và họ muốn liên lạc thì họ sẽ biết chỗ nào để liên lạc.
Nếu đạt được mục tiêu này thì tôi nghĩ rằng đó là một thành công rất lớn bởi khi họ đã biết rồi, cánh cửa đã mở cho tất cả các tổ chức Xã hội dân sự chân chính trong nước tham gia vào diễn đàn quan trọng và rộng lớn nhất này của toàn vùng Đông nam á thì không thể nào khép cánh cửa đó lại được nữa và đó là vấn đề rất tốt cho phát triển Xã hội dân sự ở trong nước.
Khi được hỏi liệu các thành viên ASEAN có ủng hộ việc chấp nhận cho các tổ chức Xã hội dân sự độc lập hoạt động song song với các GONGO như Cambodia đang làm hay không vì ASEAN chủ trương không can thiệp vào nội bộ của nhau, TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:
-Về nguyên tắc không can thiệp nội bộ là giữa các chính quyền với nhau còn người dân tức cộng đồng Xã hội dân sự trong toàn vùng họ vẫn lên tiếng cho nhau. Chẳng hạn như bên Lào anh Sombat bị mất tích từ bấy lâu nay thì tất cả đều lên tiếng chung hết với nhau. Hoặc các vấn đề tra tấn tại Việt Nam thì cũng rất nhiều tổ chức đã cùng lên tiếng với chúng tôi để yêu cầu Việt Nam chấm dứt nan tra tấn, do đó người dân không bị giới hạn nhưng điều quan trọng là làm sao huy động được lực lượng Xã hội dân sự trong toàn vùng Đông nam á, họ là những người tiên phong trong phong trào dân chủ hóa toàn vùng Đông nam á mà khởi đầu là từ Phi Luật Tân vào năm 86.
Đây là nỗ lực kéo trào lưu đó vào đất nước Việt Nam như đã từng xảy ra tại Miến Điện trước đây. Nó tạo được sự đoàn kết, yễm trợ cho nhau, lên tiếng cho nhau và đó là môi trường để những người trong nước thực nghiệm những nguyên tắc dân chủ.
Nhìn chung Diễn đàn người dân ASEAN năm 2015 đã có những biến chuyển mới có thể mang lại hy vọng cho các nước Đông nam á, những nơi mà chính phủ vẫn còn mang nặng tư duy độc quyền trên tất cả mọi lĩnh vực kể cả xã hội dân sự là nơi duy nhất để người dân nói lên tiếng nói của mình.
Sáng ngày 22 tháng 4, Diễn dàn nhân dân ASEAN lần thứ 10 chính thức diễn ra tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia với đông đảo người tham dự đến từ đến nhiều quốc gia. Theo RFA, bên cạnh công dân ASEAN còn có cả người đang sinh sống tại nước ngoài quan tâm đến Diễn đàn này không ngại đường xa trở về nhằm góp phần tạo cơ hội cho Diễn đàn có tiếng nói chung, trung thực và hiệu quả hơn. Tuy nhiên khi diển đàn vừa mới diễn ra đã có những hành động không đẹp mắt nghi đến từ chính quyền Việt Nam.
Ngay trong ngày khai mạc gian hàng trưng bày những Hình ảnh về đàn áp tôn giáo Việt Nam của tổ chức cứu trợ thuyền nhân BPSOS đã bị những người lạ mặt xé nát. Sự việc sau đó đã được báo cho công an Malaysia.
Sự việc có vẻ như gây tác dụng ngược khi sau đó có rất đông người tham dự Hội thảo đến tham quan gian hàng và chụp ảnh ủng hộ các tổ chức Xã hội dân sự độc lập của Việt Nam.
Trong phiên họp Nghị viện ASEAN vì Nhân quyền chiều 22/04, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hoàng Vân đến từ Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) trên ghế thảo luận, có một đại diện người Việt Nam đã đặt vấn đề công khai liệu VUFO có đủ tính chính danh để tham gia sự kiện này như một NGO đúng nghĩa không, khi mà nó đang chịu sự quản lý chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Vì đây là câu chuyện vốn đã âm ỉ bấy lâu trong cộng đồng XHDS ASEAN nên câu hỏi này ngay lập tức nhận được sự tán thưởng đồng tình từ đông đảo cử tọa.
Tuy nhiên, có lẽ vì đại diện VN này đưa ra thông tin chưa được chuẩn xác cho lắm, nên bà Vân đã có cơ hội đáp lại rằng, đứng đầu VUFO không phải là Bộ trưởng Ngoại giao mà là ông Vũ Xuân Hồng, là một người đã nghỉ hưu, (và vì vậy) VUFO hoàn toàn có đủ tính chính danh để tham dự những sự kiện của XHDS như thế này.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Nếu lúc đó mình là người đặt câu hỏi, bà Vân đã không có cơ hội như vậy. Đồng ý là VUFO không phải được lãnh đạo bởi Bộ trưởng Ngoại giao nhưng liệu bà Vân sẽ trả lời sao với năm câu hỏi sau:
1) Ông Vũ Xuân Hồng có phải là đảng viên, và còn là một đảng viên cấp cao của Đảng CSVN không?
2) Phần lớn ngân sách hoạt động của VUFO có phải đến từ ngân sách nhà nước không?
3) Theo Luật Cán bộ công chức 2008, có phải những nhân viên thường trực của VUFO được tính là công chức, lãnh đạo như ông Hồng thì tính là cán bộ, và đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước, và theo ngạch bậc phải không?
4) Nếu VUFO là NGO đích thực, sao việc nghỉ hưu của chủ tịch của nó lại phải dựa vào một Quyết định của Thủ tướng?
5) Tôn chỉ của VUFO đăng trên website có phải đã thừa nhận hoạt động dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị là Đảng CSVN không? Và vì sao tôn chỉ bằng tiếng Việt thì ghi rõ mà bằng tiếng anh lại giấu đi? Có phải sợ bạn bè quốc tế phát hiện ra?
Đã muốn tham gia tranh luận sau đó, nhưng ngặt nỗi, phiên họp không còn thời gian. Vả lại, theo chỗ mình biết, việc tiếp tục chứng minh rằng các GONGO (NGO chịu sự quản lý của chính quyền) đang khuynh loát XHDS Việt Nam ở các diễn đàn ASEAN không còn quá cần thiết, bởi lẽ, các nhà hoạt động nhân quyền trong khu vực đã nắm rõ chuyện này từ lâu và các đại diện của NGO Việt Nam thường được họ nhắc đến với dấu ngoặc kép (nhìn dzậy mà không phải dzậy). Một bạn Cambodia có nói với mình sẽ tốt hơn nếu tập trung vào những vi phạm nhân quyền điển hình của chính phủ Việt Nam, hơn là tiếp tục tranh luận với những nhóm như VUFO."
Phát biểu qua màn hình
Huỳnh Thục Vy, một thành viên của Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam đã tham dự hội nghị qua một video clip được gửi trước đó. Rõ ràng, việc cấm nhà hoạt động xuất cảnh của chính quyền Việt Nam đã không đạt được mục đích của nó, khi mà tiếng nói của họ vẫn được ra bên ngoài, và nhận thêm sự đồng cảm, thấu hiểu của cộng đồng yêu chuộng nhân quyền thế giới. Cách đây vài tuần là chị Mẹ Nấm khi nhận giải Nhân quyền của năm 2015, còn giờ là Huỳnh Thục Vy, xuất hiện trước quốc tế qua màn hình, cũng theo nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Với những chiêu trò như cho các tổ chức phi chính phủ được sự bảo trợ của nhà nước tham gia các diễn đàn nhân quyền quốc tế , xé hình ảnh đàn áp tôn giáo, cấm xuất cảnh các nhà hoạt động... đã làm cho bạn bè thế giới biết nhiều hơn về thực trạng nhân quyền của Việt Nam. Các tổ chức XHDS độc lập của Việt Nam như BPSOS, VOICE,... đã ngày càng đem tiếng nói của những nhà hoạt động rộng ra hơn với thế giới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo Diễn đàn nhân dân ASEAN 2015: